31.7.08

Nét Đẹp Áo Dài Trong Thơ Ca Và Âm Nhạc Việt Nam

Hồng Tuấn biên soạn theo Bách Khoa Toàn Thư


Hình ảnh phụ nữ/con gái Việt Nam với chiếc áo dài truyền thống đã được nhiều nhà nghệ sĩ ghi lại, nổi bật nhất là trong thơ và nhạc. Bài thơ nổi tiếng về chiếc áo dài có thể kể là "Áo lụa Hà Đông" của Nguyên Sa, bài này được phổ nhạc thành một bài hát nổi tiếng và là cảm hứng cho một bộ phim điện ảnh cùng tên, với những câu:
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông...


Bài "Tương tư" của Nguyên Sa cũng có đoạn ca ngợi chiếc áo dài:
Có phải em mang trên áo bay
Hai phần gió thổi, một phần mây
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thở cho làn áo trắng bay


"Ngày xưa Hoàng Thị" của Phạm Thiên Thư kể về chuyện tình thuở học sinh với cô gái họ Hoàng, cô xuất hiện trong bài với những nét phác họa: "Áo tà nguyệt bạch/ Ôm nghiêng cặp sách/ Vai nhỏ tóc dài". Phạm Duy phổ nhạc bài này cũng không quên làm nổi bật hình ảnh áo dài khi sửa thành: "Ôm nghiêng tập vở, tóc dài, tà áo vờn bay...".


Áo dài cũng in đậm nét trong những vần thơ nghịch ngợm của Nguyễn Tất Nhiên:
Tháng giêng em áo dài trang nhã
Tỉnh lỵ còn nguyên nét Việt Nam
Đài các chân ngà ai bước khẽ
Nguyện theo tà lụa cả phương Đông (Tháng giêng, chim)


đưa em về dưới mưa
áo dài sầu hai vạt
khi chấm bùn lưa thưa... (Em hiền như Ma-soeur)


Trong thơ Bùi Giáng, màu áo dài của ký ức được nâng lên thành huyền thoại:
Biển dâu sực tỉnh giang hà
Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh (Áo xanh)


Chiếc áo dài cũng phảng phất hay xuất hiện nhiều trong các ca khúc Việt Nam. "Bé ca" của Phạm Duy viết cho con gái mới lớn, có bài Tuổi ngọc tả về niềm hân hoan của cô bé khi bước chân vào trung học, lần đầu khoác lên mình "một chiếc áo như mây hồng": "Xin cho em một chiếc áo dài,cho em đi mua xuân tới rồi/ Mặc vào đời rồi ra, mừng lạy chào mẹ cha/ Hàng lụa là thơm dáng tuổi thơ".

No comments: