4.5.09

Paris có gì lạ không em

Tôi đến Paris vào chiều tháng tư dịu ngọt như giấc mơ mới tỉnh

“Paris có gì lạ không em?
Mai anh về giữa bến sông Seine
Anh về giữa một dòng sông trắng
Là áo sương mù hay áo em?”
(Nguyên Sa)

Sông Seine trong đêm

Có lẽ không gì thú vị hơn là ngắm Paris đêm bằng cách du ngoạn trên tàu dọc bờ sông Seine. Paris đêm huyền ảo và lung linh, xa xăm và rực rỡ. Tưởng chừng như những tháp, những cầu, những công trình hai bên sông không phải được làm bằng sắt hay gạch mà được kết bằng dải ánh sáng đa màu, còn sông Seine là tấm gương phản chiếu tất cả lên bầu trời thăm thẳm, làm cả đám mây đêm cũng phải sang sáng kiêu kì. Trời đêm Paris đen huyền quyến rũ như tóc tiểu thư đôi mươi được điểm xuyết sao trời màu trắng bạc, mái tóc ấy trôi loang loáng trên sông Seine để vương nhẹ theo gió lên mỗi cảnh sắc Paris. Nước sông Seine róc rách chảy giữa những vì sao không bao giờ tắt.

“Người ta không bao giờ tắm hai lần trên một dòng sông”, Paris đêm mai có thể khác Paris của tôi đêm nay nhưng tâm hồn tôi đã mãi gửi vào những lớp sóng lăn tăn dìu dịu của sông Seine, vào kí ức của nước và ánh sáng.

“Than ôi, nhà cửa, đường sá, đại lộ
cũng thoáng qua như năm tháng mà thôi”
(Marcel Proust)


Bức tường tưởng niệm Công xã Pari

Paris trầm mặc nhất là ở nghĩa trang Père-Lachaise. Thời gian thoảng gió qua mỗi ngôi mộ lặng im như muốn khắc ghi câu chuyện của những danh nhân vĩ đại vào cõi nhân sinh bao chuyển suy. Đứng trước mộ Proust, Balzac, Prudhomme,… tôi như quên đi tất cả “lí thuyết”, “giáo trình” viết về họ, đọng lại duy nhất nơi đây là những cuộc đời vẫn sống động như ngày hôm nay, vẫn tươi mới như mực in trên từng kiệt tác vinh danh Paris hạnh phúc và buồn đau. Chỉ khi đứng ở Paris, ngập mình trong ánh sáng của Kinh đô văn hóa, ta mới cảm thấy Paris của Hugo “Những người khốn khổ” , của Balzac “Tấn trò đời”, của Dumas “Ba chàng lính ngự lâm”,… không chỉ là trang giấy mà hiển hiện ngay trong bước chân ta đi, ánh mắt ta nhìn.

Nghĩa trang này còn là nơi 200 chiến sĩ công xã Paris cuối cùng quyết tử để bảo vệ chính thể đầu tiên của cách mạng vô sản . Đến hôm nay bức tường kỉ niệm những anh hùng quả cảm ấy vẫn được cây xanh phủ bóng bốn mùa, dưới chân tường luôn có chùm hoa rực đỏ gợi nhớ về “Tuần lễ máu”. Mỗi viên đá trên tường lưu giữ một nếp gấp thời gian của Paris lửa cháy. Nơi đây minh chứng cho nhân dân cần lao Paris đã biến Paris Yêu thương thành Paris Công lí.

Cúi mình trước bức tường ấy, tôi chợt nhớ đến câu khắc trên bia mộ người lính vô danh ở Khải hoàn môn “ICI REPOSE UN SOLDAT FRANÇAIS MORT POUR LA PATRIE” (Nơi đây an nghỉ một người Pháp hi sinh cho tổ quốc). Đã bao người an nghỉ cho Paris hôm nay…

"Qua vườn Luxembourg,
sương rơi che phố mờ,
buồn này có ai mua"
(Phạm Trọng Cầu)

Phía tây vườn Luxembourg

Paris của tháng tư giòn tan như nụ cười thiếu nữ tỏa nắng trong vườn Luxembourg. Những bông hoa hồng và trắng khẽ rung rinh trước nắng, e lệ núp dưới bóng những hàng cây đang vút xanh căng tràn nhựa sống. Mỗi người đi dạo trên vườn đều nở một nụ cười với tôi - người khách bộ hành cô đơn đang say sưa thả bánh mì vụn cho đàn bồ cầu béo múp míp. Nếu đêm sông Seine đen huyền diệu thì sáng vườn Lunxembourg xanh ngan ngát, vừa gần gũi như nắm được vào tay vừa siêu thực như câu thơ của Baudelaire. Nhưng hình như phải đến tháng 10 những bức tượng ở Luxembourg mới đẹp như trong văn Anatole France.

Tôi đi bộ sang Thư viện của Đại học Sư phạm phố d’Uhlm. Tôi thích ngồi từ trên thư viện trường nhìn xuống cái “sân vuông” có hàng chục pho tượng, mỗi tượng là một nhà khoa học lớn, giáo sư nổi tiếng hay sinh viên xuất sắc của trường. Họ bất động nhìn dòng sinh viên qua lại như nhắc nhở, nhắn nhủ cả một thế thệ tiếp bước trên con đường sư phạm. Thời gian như hóa đá trên mỗi gương mặt ấy để làm bất tử nền học thuật Pháp, đầy trang nhã và thâm trầm.

“Đồi cao gió lộng, tung tà váy
Ngước mắt nhìn trời đôi mắt say”
(Xuân Thủy)

Khi tôi thả bộ tại đồi Montmartre, hay dọc đại lộ Champs-Elysées đều gặp rất nhiều đôi tình nhân khoác tay bên nhau hạnh phúc. Paris đúng là thiên đường của tình yêu, làm sao không nảy sinh tình cảm tuyệt vời ấy trên mảnh đất hữu tình này. Với tôi, người viết về Paris hay nhất không phải một người Pháp mà là Erich Maria Remarque. Đứng lặng nhìn Khải hoàn môn mênh mang trong chút mưa lạnh đầu tháng tư, đại lộ Champs-Elysées dài bất tận của đêm hun hút, con tim tôi rung lên thổn thức khi nhớ đến câu nói của Jeanne Madou trong “Khải hoàn môn” của Remarque “Soso stata sempre con te” (Em bao giờ cũng chỉ bên anh). Tình yêu ở Paris là thế, đủ hết cung bậc dịu ngọt và đắng cay. Khi yêu nhau, hãy dẫn nhau đến Paris…

“Ta còn nghe, hòa lẫn với chuông ngân
Tiếng em cười, giòn giã
Giữa khí trời trong vắt một mùa xuân”
(Dân ca Pháp)


Nhà thờ Đức bà

Tôi dừng chân ở nhà thờ đức bà Paris. Chuông ngân dài từng tiếng vừa trong trẻo vừa khắc khoải như chính nhịp đập trái tim Paris. Công trình vừa cổ kính vừa tráng lệ theo kiến trúc gothique đã trở thành không gian bất tử cho kiệt tác cùng tên Notre-Dame de Paris của Hugo. Nhìn lên mỗi vòm kính màu của nhà thờ tưởng chừng như cả bầu trời ùa xuống mặt đất, mây trôi qua mỗi bức tượng, phù điêu, gió thênh thang rảo bước trên những hành lang , còn chúng ta đang phiêu du trong những thánh tích cổ xưa. Những tu sĩ, bà xơ đi lặng lẽ như thể họ thuộc về một thời gian khác, thế giới khác, để mặc cho du khách thả mình vào không gian tâm linh. Paris bình yên nhất là nơi đây.
“Ce n’est qu’un au revior”
(Chỉ là lời tạm biệt mà thôi)
Không hiểu sao Paris lại thân thuộc với trái tim tôi đến thế. Chuyến thăm Paris một tuần như hành trình “đi tìm không gian đã mất” của tâm hồn tôi, hành trình “đi tìm là sống, tìm thấy là chết”
Lại một tiếng chuông chùa ngân xa xa giữa lòng thủ đô dấu yêu….


Bài viết của Nguyễn Minh- Hồng Tuấn ST

No comments: