30.4.09

Bất ngờ “Cara Cara”

TTCT - Gần đây người dân Lâm Đồng khi qua lại đường cao tốc Liên Khương - Đà Lạt hay kháo nhau về một nông trại kỳ lạ nằm đâu đó trên sườn núi Voi. Thiên hạ bảo trên đấy có “treo” một vườn đầy cam quý chưa từng có ở châu Á, châu Phi, châu Âu hay châu Mỹ...
Lục lại ký ức của mình, tôi nhớ hơn chín năm trước có một ông kỹ sư cơ khí 56 tuổi từ bên Úc sang, từng lang thang nhiều dạo trên đó. Lúc ấy vị kỹ sư bụi nói với mọi người rằng ông ao ước có được một vách núi bất kỳ ở VN để “chinh phục” cây có múi mới, nếu không còn chỗ đất tốt nào thì ở đây cũng được, vùng núi Voi này. Ông tên Mai Viết Phương, 66 tuổi, công dân Úc, gốc Long Xuyên, An Giang.

Nông trại “ ở trọ” vách núi

Những kỹ sư trồng trọt ở phía Nam cho là ông “rồ”, lắm kẻ khác nghĩ ngay ông này chỉ cốt đi “tậu” đất mà thôi, chứ xứ lạnh Lâm Đồng không thể trồng cây có múi, cam lại là giống cây không được đưa vào danh mục nông nghiệp ở đây. Là kỹ sư cơ khí lưu lạc trên 30 năm từ Canada sang Úc, nhưng năng khiếu về thực vật học đã đưa đẩy rồi “định vị” đời ông ở nghiệp cây trồng. Đó cũng là căn nợ để ông trở thành chuyên gia của trường ĐH nông nghiệp lừng danh Western Sydney, trong lĩnh vực kiến tạo vườn thực vật cho sinh viên thực tập và hướng dẫn họ suốt 26 năm nay.

Cùng dịp đấy, nhà lai tạo thực vật nổi tiếng nước Úc Graeme Richards quyết định chọn ông để giao đứt (tặng) loài cam ruột đỏ không hạt cực quý mà nhà khoa học này dày công tạo ra, khảo nghiệm thành công nhưng giấu kỹ, sợ “gả” nhầm chỗ suốt 30 năm.

Trở lại với câu chuyện trên núi Voi ở Lâm Đồng. Khi không biết làm thế nào để có một mảnh đất mà “quậy”, thực nghiệm cây cam Cara Cara kỳ ẩn, nhân nghe nói Công ty Nguyên liệu giấy Đồng Nai đang đi thuê đất trồng rừng thông ở núi này, ông ngược về Biên Hòa nhờ cậy họ ghi thêm vào đó ít diện tích núi trọc dành cho ông, xem như cho ông ké “ít đất”.

Mùa khô năm 2001, ông cùng vài nhân công thuê được dưới chân núi Voi bắt đầu dùng xà beng để đục (chứ cuốc thì không thể), trục lấy đá lên, rồi đặt xuống từng cây cam Cara Cara đưa mấy ngàn cây số từ Úc sang. Thứ cam Cara Cara có nguồn gốc hoang dã này (tận rừng núi Venezuela bên Nam Mỹ) chỉ thành cây và cho chất lượng tuyệt hảo khi mầm của nó được cấy ghép vào một thứ cây thuộc họ có múi cũng hoang dã nhưng trái không ăn được khác hiện hữu ở Úc để làm mồi, tạo gốc. Vì thế, khi qua VN cây mồi kia được đưa sang trồng trước mấy tháng. Mầm cây cam Cara Cara sẽ sang sau, khi cây mồi đã bén rễ.

Khi ăn thử những miếng cam Cara Cara (tên khoa học mới được đặt là Citrus sinensis) tôi cảm nhận được sự giòn dai, ngọt dịu, thơm mát, vị không gắt, hương không nồng, từ từ thấm vào cổ, rồi đọng lại dư hậu. Phẩm chất cùng hương vị của nó hẳn không lẫn với bất cứ thứ cam nào từng tồn tại ở VN, kể cả cam Mỹ, cam Thái, cam Trung Quốc nhập về


Cứ thế, mỗi đợt có nguồn mẫu giống (mầm) sang núi Voi, ông cùng những nông dân cộng sự bắt tay ngay ghép ngày ghép đêm kẻo mầm kia hết nhựa. Cây có múi không bao giờ chấp nhận chịu hạn, thiếu nước, nên ông cho đào hồ lớn trên núi để trữ nước (dẫn từ các khe về, bơm từ mương thủy lợi dưới xa lên và cả nước mưa). Đến một thứ phân chế từ nham thạch núi lửa cũng được nhập thẳng từ Úc để “nuôi” thứ cam này.

Hai năm sau khi cấy ghép, 5.000/6.000 cây cam Cara Cara đã sống, nên cây và cho ra những lứa quả đầu tiên. Hái những trái đầu tiên đó ông mang ra tận Hà Nội và mang ngược về Úc... khoe.

Hôm nay, giữa một vách núi mấp mô muôn dạng địa hình, rộng 10ha đã hình thành cả một vườn cam lạ xanh tốt, trĩu quả, cao lút đầu người.

Cam quý, giống đầu dòng

Khi đưa tôi khám phá vườn cam Cara Cara đầy ấn tượng, cây trái sum suê, xanh mát, ông khoe: “Thu 35 tấn/ha đấy. Năng suất có lẽ sẽ tiếp tục cao lên nữa. Dòng cây này phát triển và tồn tại suốt đến 50 năm (cam ở VN xưa nay chỉ 7-15 năm)”.

Ai vào đây chủ nhân cũng đều không tiếc để cho lội ngắm thỏa thích, được đãi cam ăn đến “xỉn”, dù giá ở các siêu thị tại TP.HCM là 40.000-45.000 đồng/kg, không phải đô thị nào ở VN muốn mua cũng có. Nghe đâu hệ thống bán lẻ Metro ở VN từng tìm lên núi đề nghị nông trại dành hết nguồn cam để cung cấp cho họ, nhưng ông lấy cớ số lượng “không thể đủ” để đáp ứng cho Metro.

Ông khẳng định ngoài khu vườn nhà của người lai tạo ra nó bên Úc - tiến sĩ Graeme Richards, không đâu trên thế giới có thứ cam đỉnh (phần chuôi trái) lõm không hạt, ruột đỏ thẫm nồng nàn, ăn vào cảm nhận một lúc cả ba mùi vị gồm cà rốt, cà chua và cam thông thường như thế này. Độc đáo hơn, ông đưa tôi xem bảng phân tích hóa sinh cho thấy hai chất lycopene và carotenoid có trong cơm của trái cam Cara Cara này, mà nếu ai quan tâm đến dược học đều biết chất lycopene là một chất kháng ôxy hóa, có thể giúp chống lại bệnh thoái hóa thể tạng như suy tim và được dùng để giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư tuyến tiền liệt, phổi, bàng quang, da, cổ tử cung...

Xưa nay thường thấy cam trồng tại các vùng miền của VN ra trái theo mùa, thường một lứa, tối đa hai lứa/năm. Còn ở đây? “Quanh năm. Lúc nào ở đây cây đều có bông trổ, trái xanh, trái chín thường trực trên cây!” - ông chỉ vào những cây Cara Cara. Đến cha đẻ ra nó là TS Graeme Richards cũng ngạc nhiên khi những cây Cara Cara qua 30 năm ở vườn khảo cứu của ông tại Úc cũng chỉ ra trái mỗi năm một lứa. Mà có lẽ chỉ ở VN, còn trên thế giới chẳng có giống cam nào có thể cho trái quanh năm như vườn cam treo lơ lửng trên núi Voi này.

Sẽ phải giã biệt?

Giống cam quý, lại mới gầy dựng thành công, chưa thu vào được bao nhiêu sau tám năm, thế mà ông bảo với tôi đang nhân giống ra để phổ biến rộng rãi cho nông dân cả nước. Tôi nói thường người ta khi làm được thế hay độc quyền khai thác sinh lợi, hoặc mãi thời gian lâu mới phổ biến. Ông bảo: vấn đề lớn hơn là một giống cây trồng mới, hấp dẫn được phổ biến cho VN. Ông kể đã xin ý kiến về điều này với tác giả của cây Cara Cara và TS Graeme Richards cũng gật đầu.

Thế nhưng, với số phận vườn cam treo trên núi của ông thì khác. Mới đây, Công ty giấy Tân Mai (tiếp nhận từ Công ty Nguyên liệu giấy Đồng Nai) yêu cầu ông trả lại diện tích mà họ cho là cho ông mượn trồng khảo nghiệm vườn cam kia để... trồng thông, theo đúng dự án ngày nào tỉnh Lâm Đồng cấp phép. Có vị lãnh đạo hàng đầu tỉnh Lâm Đồng nghe được “tin dữ” này đã tiếc cho ông: “Làm sao di dời được một vườn cây treo trên núi như thế. Nó là cây trồng quý, lại là giống đầu dòng!”. Cứ theo giấy trắng mực đen thì vách núi cây Cara Cara kia đang cư ngụ đã “gả” hợp pháp cho cây thông, nhưng khổ nỗi người ta lâu nay chưa muốn trồng thông.

Xem ra vườn cam Cara Cara kia đoản mệnh thật chẳng chơi!

Một số người quen biết ông từ bên Úc còn kể ông tạo được vườn cây Cara Cara độc đáo ở núi Voi nhờ vào tiền cóp nhặt, tích lũy của người vợ tần tảo, đầu tư cho ông vung tay vung trí, thỏa chí từ những mảnh vườn suốt 25 năm qua chuyên trồng các thứ rau rất Việt: húng, tía tô, hành, ngò, cà tím, dưa leo... của bà ở vùng Caramatta (thuộc bang New South Wales), mà nói đến rau vườn Green Field ấy thì lưu dân châu Á nào ở đấy cũng biết. Còn vườn Cara Cara trên vách núi Voi thì vẫn cứ tuôn trái, ngát xanh, mọng nước trong sự hồi hộp của ông kỹ sư cơ khí.

Thấy trên mỗi cây cam ở đây đều dán một miếng thẻ nhỏ ép nhựa, ghi lai lịch, tên khoa học của nó, tôi hỏi “chỉ dấu” gì thế? Ông lôi ra một quyết định của Sở NN&PTNT Lâm Đồng về việc “công nhận vườn cây đầu dòng cam Cara Cara ở VN” tại núi Voi. Trong quyết định này, Sở NN&PTNT Lâm Đồng còn yêu cầu: “... lập kế hoạch bảo tồn, khai thác và sử dụng hợp lý vườn cam Cara Cara đầu dòng này”.

NGUYỄN HÀNG TÌNH- Theo TuoiTreOnline


No comments: