Những bữa ăn trong gia đình rất quan trọng để các thành viên được dịp gần gũi và chuyện trò với nhau. Ngày nay, nhất là ở xứ Mỹ, đời sống bận rộn kéo mỗi người đi một hướng trong ngày. Tuy nhiên, không vì vậy mà mỗi người một tô, mạnh ai nấy ăn, bất kể vào giờ nào, không cần mời ai đợi ai. Các nhà giáo dục khuyên rằng ít nhất trong tuần nên có những buổi ăn tối với nhau trong gia đình. Ăn chung như vậy, bữa ăn thường ngon và vui, miễn là mỗi người đều có phong cách ăn uống lịch sự và cố gắng chuyện trò với nhau trong bữa ăn.
Một vài gia đình ngày nay, nhất là các gia đình Mỹ, thường tổ chức bữa ăn như một cuộc hội bàn tròn. Ở đó, mọi thành viên đều có quyền phát biểu, từ người nhỏ nhất đến người lớn nhất. Mỗi người sẽ có ít phút để nói, và mọi người lắng nghe, về những việc trong ngày của mình, hay bất cứ chuyện gì. Điều này giúp cho những em nhỏ tuổi, hay e thẹn hoặc nói chưa sõi, có dịp chuyện trò và được mọi người chú ý nghe, tán thưởng.
Nên nhớ rằng ăn chung như thế sẽ tạo cho trẻ những thói quen lịch sự trong ăn uống mà chúng sẽ giữ suốt đời. Ngay cả trong những buổi họp mặt bình thường, giản dị, những phong cách tốt cũng nên được tôn trọng, giữ gìn. Chính nhờ học được những phong cách như thế từ trong gia đình mà sau này trẻ sẽ tự nhiên cư xử một cách lịch sự, thoải mái ngay trong những cuộc họp mặt quan trọng ngoài xã hội.
Sau đây là những điều cha mẹ nên dạy trẻ để tạo cho chúng những thói quen tốt trong lúc ăn uống. Một vài điều ghi lại ở đây chỉ thích hợp cho những gia đình Mỹ nhưng biết đâu sau này con cái chúng ta sẽ hội nhập vào đó.
- Dạy trẻ phải rửa tay trước lúc ngồi vào bàn ăn.
- Khi đến bàn ăn, trẻ phải ăn mặc sạch sẽ, đàng hoàng.
- Trẻ không được mang theo đồ chơi, sách và những con vật yêu.
- Ngồi ăn, phải trải khăn ăn trên đùi.
- Ngồi ngay ngắn, không được xiêu vẹo.
- Phải đợi đĩa thức ăn đưa tới trước mặt mình mới sớt lấy chứ đừng nóng vội chồm qua bàn.
- Phải ngồi đợi mọi người ngồi vào chỗ và được tiếp thức ăn mới bắt đầu ăn.
-Nếu có cầu kinh thì nên tham dự (trẻ con không được cười rúc rích, nói chuyện hay chòng ghẹo nhau)
- Không tì cùi chỏ lên bàn ăn.
- Không há miệng nhai thức ăn.
- Không nói chuyện khi mồm đầy thức ăn.
- Không được khua dao muỗng trên bàn ăn.
- Không múa muỗng nĩa hay ném vào nhau
- Không được nghịch thức ăn trong đĩa.
- Không được gắp thức ăn ở chén hay đĩa người khác.
- Muốn rời bàn ăn phải xin phép.
- Ăn xong, đem chén đĩa của mình vào bếp.
- Nếu có người hầu, phải cảm ơn khi được tiếp thức ăn.
Nói chung, trẻ con phải được dạy dỗ, rèn luyện từ lúc còn bé để khi lớn lên chúng có phong cách trang nhã, lịch sự. Khi mờiù khách đến ăn, cha mẹ nên cho các con nhỏ của mình ăn trước. Nếu trẻ em nghịch phá, cha mẹ phải bắt chúng lên giường.
Quan trọng hơn hết là không nên cho trẻ con ngồi vào bàn ăn khi có khách vì chúng sẽ khó ngồi yên trong suốt thời gian ăn uống và trò chuyện. Nếu bạn đãi khách dùng bữa ăn tối thì tốt hơn hết là nên giao lũ con cho người giữ trẻ trông hộ.
SP (theo Complete Book of Etiquette) Sỹ Phan
Dù sống lâu năm trên đất Mỹ, vẫn còn nhiều điều trong cách giao tiếp, ứng xử sao cho phù hợp với cách sống, văn hoá của người Mỹ, đáng để chúng ta tìm hiểu và áp dụng. Địa vị, học thức
không hẳn giúp bạn tránh được những lỗi lầm sơ đẳng trong giao tiếp hàng ngày. Chuyên mục "Văn hoá - Ứng xử" do Bảo Sơn & Julia Nguyễn phụ trách sẽ giới thiệu đến quý độc giả những kinh nghiệm, nguyên tắc của người Tây phương, cụ thể là người Mỹ, để quý bạn tham khảo theo tinh thần câu phương ngôn "Nhập gia tùy tục"...
30.3.09
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment