20.2.09

HÔN LỄ Theo truyền thống DÂN TỘC

Việc kết hợp thành vợ chồng, quy luật luân lý của dân tộc Việt Nam muốn bắt buộc phải sống chung với nhau trọn đời. Hai bên cần phải hiểu biết lẫn nhau. Nhân đó cổ nhân đặt ra lễ nghi trang trọng để ràng buộc nhau về mặt tinh thần, ngoài những ràng buộc về giáo luật và pháp luật.

Ngày trước gồm có 6 lễ: (Sách xưa có câu : “Lục lễ bất bị, trinh nữ bất xuất”.

1/ Nạp thái(chạm ngõ, dạm hỏi): Ðến nhà gái ngõ ý muốn chọn một người con gái trong gia đình ấy.

Sau khi đôi trai gái gặp nhau có ý định đi đến việc hôn nhân, người mai mối hẹn ngày đưa cha mẹ nhà trai, chú rể và lễ vật (cau trầu) đến nhà gái xin đính ước. Từ đây đôi bên giữ tình giao hảo, trao đổi tin tức (tên tuổi, gia thế, sự nghiệp) chứ chưa có trách nhiệm hẳn về hôn nhân.

2/ Vấn danh: Nhà trai hỏi tên tuổi người con gái. Rõ ràng hơn là muốn biết thân thế và sự nghiệp của người con gái.

3/ Nạp cát: Xác nhận nhà trai đã ưng thuận về hôn nhân giữa đôi trai gái. Vì đã có những thuận lợi cần thiết và thích ứng ( quẻ tốt, hạp tuổi).

4/ Thỉnh kỳ: Xin nhà gái ấn định ngày làm lễ cưới. Ngày trước chú trọng đến ngày tốt xấu, hạp hay cấm kỵ, thường nhà trai cho ngày đã chọn,để nhà gái kiểm soát lại.

5/ Nạp tế: Ðưa sính lễ tới nhà gái.

Không rõ các cổ lễ ấy bắt đầu tứ bao giờ, nhưng qua thời gian lưu dụng, các lễ vấn danh, nạp cát, thỉnh kỳ, nạp tế được thu gọn làm một lễ gọi là “ăn hỏi”: Người mai mối đưa cha mẹ đàng trai, chú rể, mấy người họ hàng thân thuộc, với lễ vật (trầu rượu, bánh mứt, nhẫn hỏi, nữ trang) đến nhà gái, xin làm lễ cáo gia tiên. Từ hôm nay được tuyên bố ưng thuận hứa hôn giữa đôi trai gái với họ hàng và bạn bè. Kể từ nay hai nhà phải có nghĩa vụ: thăm viếng, quà biếu mỗi dịp lễ tiết. Và có trách nhiệm bảo vệ sự hứa hôn, một bên có lỗi với việc hôn phối, bên kia có quyền khiếu tố trước tòa, đòi bồi thường, ít nhất là phần danh dự.

6/ Thân nghinh (lễ cưới): Lễ đón dâu về nhà chồng.

a/ Xin dâu (xin giờ): Bà mẹ chồng (hay người đại diện) đem một khay trầu rượu vào nhà gái vài giờ trước buổi lễ để cáo gia tiên gọi là lễ xin dâu hay lễ trình giờ.

b/ Ðón dâu ( lễ cưới); Một người đàn ông vui vẻ, hoạt bát đứng đầu ngõ đón chào họ nhà trai.

Ðoàn họ trai gồm có: Một cụ già (tính tình hiền lành, vợ chồng song toàn, nhiều con cháu) đi trước, cầm một bó hương hay một đỉnh trầm, tục gọi là Tơ Hồng (nay thường thay bằng một bó hoa). Kế tiếp là đoàn dẫn lễ vật như hai lồng đèn, hai lọng che, mâm cau trầu, rượu, bánh mức, ngỗng lợn (cau lồng, rượu ché, heo đóng cũi, ngỗng mặc áo), một quả hộp trầu têm (trầu đã cắt ra điểm vôi vào gói lại, cau bổ ra 12 miếng) và một quả hộp nữ trang, nhẫn cưới (hai quả này phải nhờ người song toàn, hiền hậu dẫn lễ), một khay trầu rượu (chỉ năm miếng trầu) đi với chủ hôn, bất cứ một việc gì phải đưa khay trầu ra trước (nên nhớ thay cau trầu rượu mới mỗi lễ), một kiệu hoa (nay là xe hoa). . . Chú rể khăn áo chỉnh tề, cùng với các người trong họ đi đón dâu (số lượng được ấn định trước, thường được chọn vợ chồng song toàn,từng cặp chẵn). Sau khi mọi người vào vị trí (an tọa), đại diện nhà trai (chủ hôn hay ông mai) mở lời: mục đích buổi lễ, trình lễ vật, xin được khấu lễ gia tiên. Nhà gái: nhận lời, đệ nạp lễ vật lên án thờ, cáo gia tiên, mời đại diện nhà trai làm lễ, cho cô dâu chú rể làm lễ (kể cả nhà thờ tổ, họ nội họ ngoại của cô dâu). Việc mang nhẫn cưới và nữ trang, ngày trước được kiểm nhận kỹ càng và mang vào buồng riêng cho cô dâu, ngày nay thường được thực hiện ngay tại sảnh đường. Xin cho cô dâu chú rể lễ mừng tuổi ông bà cha mẹ vợ (ngày trước phải lạy sát đất, thời vua Bảo Ðại cho phép vái 3 vái với người sống, có gia đình cho miễn lễ). Tiếp theo cô dâu chú rể được đưa đi chào mừng bà con họ hàng đang dự lễ. Gặp mỗi người đều nhận được lời chúc phúc, khuyên bảo, và quà tặng. Sau đó nhà gái mời hai họ nhập tiệc.

c/ Ðưa dâu: Khi xong tiệc, đến giờ rước dâu, đại diện nhà trai (trầu rượu) trình bày với nhà gái xin đón dâu.

Ðoàn đưa dâu, họ gái gồm có: Một cụ già cầm bó hương hay đỉnh trầm (nay là bó hoa) đi trước, kế tiếp là bà con họ hàng nhà gái dẩn cô dâu, theo cô dâu là phụ dâu, ngày xưa có một cô theo giúp đỡ mang vật dụng áo quần. Thông thường cha mẹ vợ không đi đưa dâu.Khi đến nhà trai, ngay ngõ đã có người bưng khay trầu mời khách nhà gái. Bà mẹ chồng đón dâu tại cửa đưa vào nhà, cô dâu được đưa về phòng nghỉ mệt trong chốc lát trở ra lần lược làm lễ: Lạy gia tiên, nhà thờ bên cha mẹ chồng, làm lễ Tơ Hồng (đặt bàn trở mặt ra ngay trước sân, với bài văn tế như sau “Việt nam , năm . . . tháng . . . ngày . . . Chủ hôn . . . cưới vợ cho con trai (trưởng) tên . . . , lấy (thứ) nữ của . . . , tên là . . . làm vợ. Nay nhân chọn được giờ tốt, kính dùng hương hoa, tửu quả, thứ phẩm chi nghi, kính dâng lên: Chưởng quản việc hôn phối ở nhân gian, Nguyệt Lão Thiên Tiên. Kính thưa: Ðạo vợ nghĩa chồng, Muôn phúc ở trong, Nay gặp ngày tốt, Xin tạc chữ Ðồng, Chuốc chén rượu trong, Kính dâng lễ bạc, Nguyệt Lão ngửa trông, Dám xin Ngọc Giá, Soi thấu tấm lòng, Trúc mai sum họp, Vợ vợ chồng chồng, Trăm năm đôi lứa, Dòng dõi ngày đông. Cẩn cáo”. Mừng tuổi ông bà cha mẹ chồng, chào mừng họ hàng ( như bên nhà gái). Sau hết nhà trai mời hai họ nhập tiệc. Khách mời đi họ không được bỏ ngang về trước, vì như thế không hên cho đám cưới.

Hợp cẩn: tối hôm cưới, khi nhập phòng , người chồng lấy khay trầu tế Tơ Hồng trao cho vợ một miếng, mình một miếng; rót một ly rượu uống chung mỗi người một nửa, gọi là lễ hợp cẩn

Nhị hỷ, Tứ hỷ: Cưới được hai ngày, vợ chồng đem nhau về thăm bên nhà vợ gọi là nhị hỷ, nếu đường xa có thể cách bốn ngày gọi là tứ hỷ.

Lệ nộp cheo: Khi đám cưới, bên họ nhà trai phải nộp tiền cheo cho bên họ nhà gái. Có nhiều loại cheo (làng, họ, xóm, giáp) tùy theo khoán ước của địa phương. Mục đích là giới thiệu với địa phương cô gái lấy chồng. Ngày xưa việc nộp cheo là một sự bắt buộc, mặc dầu số tiền chỉ là tượng trưng thôi. Ngoài ra còn nhiều tục lệ đặc biệt được áp dụng tùy địa phương (có tính cách di đoan, cổ hủ).

Hiện nay lưu hành 3 lễ chính: Dạm hỏi, lễ hỏi, Lễ cưới. Tùy theo địa phương, mức độ sinh hoạt xã hội, tài chánh . . . mà áp dụng, bày biện lễ cưới cho hài hòa vui vẽ, giữ gìn bản sắc dân tộc.

HT sưu tầm

No comments: