Nhiều nhân viên văn phòng sử dụng vi tính thường xuyên có cảm giác "đau khổ" do con chuột vi tính gây ra. Những khó chịu thường gặp là đau mu bàn tay, đau quanh cổ tay hoặc lan dọc theo cẳng tay và khuỷu.
Các cử động nhỏ, chính xác của bàn tay và ngón tay khi phải liên tục kéo rê, cuộn, nhấp chuột... kết hợp với việc gõ bàn phím hằng ngày làm những nhóm cơ nhỏ bị mỏi và quá tải. Điểm đau vùng cổ tay lâu ngày có thể bị nang bao hoạt dịch. Vùng cổ tay bị tì đè thường xuyên dễ mắc hội chứng ống cổ tay, chèn ép dây thần kinh giữa làm tê các ngón cái, trỏ, giữa.
Ngoài ra, do không gian làm việc chật hẹp nên con chuột thường đặt ngoài tầm vận động dễ chịu của bàn tay, cánh tay cần phải đưa ra ngoài và tới trước trong tư thế không có điểm tựa nâng đỡ suốt thời gian dùng chuột, hậu quả là đau và mỏi cơ vùng lưng trên sau bả vai (cơ thang) và vai (cơ delta), gây chứng đau vai cổ.
Tuy không thể tránh hoàn toàn những khó chịu trên nhưng bạn có thể hạn chế bằng cách chọn con chuột phù hợp. Hình dạng chuột nên vừa với bàn tay tùy theo từng người, kích thước vừa đủ nâng đường cong tự nhiên lòng bàn tay. Chuột dẹt giúp bớt duỗi cổ tay quá mức và giảm lực đè lên cổ tay. Các phím bấm phải nhẹ và nhạy, cách bố trí không làm các ngón tay gò bó hay dạng xa quá mức. Nên dùng chuột không dây cho đỡ vướng víu.
Khi sử dụng bạn đừng nắm quá chặt con chuột mà hãy thả lỏng bàn tay, điều đó giúp di chuyển chuột dễ dàng và chính xác hơn. Giữ cổ tay thẳng hàng với cánh tay là tư thế tự nhiên nhất. Bạn cũng nên vệ sinh bi lăn sạch sẽ để tăng độ nhạy và dùng các lệnh tắt hoặc phím chức năng để giảm bớt dùng chuột khi có thể.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm một số cách dùng chuột khác nếu tình trạng mỏi cổ tay không được cải thiện:
* Bàn phím ngắn: không có phần phím số bên phải, ngắn hơn bàn phím thông thường khoảng 10cm giúp cánh tay đỡ phải dang ra ngoài quá xa.
* Giá đỡ chuột: chụp lên phần số của bàn phím giúp sử dụng chuột gần hơn, nên kết hợp với giá đỡ cánh tay gắn vào bàn làm việc.
* Bàn phím kèm touch pad thay thế chuột: touch pad thường nằm ở góc dưới phải bàn phím. Chỉ cần di chuyển chuột bằng ngón trỏ tương tự như máy tính xách tay nên hạn chế mỏi cổ tay tối đa.
* Đặt chuột giữa bàn phím và người sử dụng: chuột ở gần nhất, thích hợp với bàn làm việc không đủ rộng và chuột không dây.
Bài tập cổ tay
Nếu bị mỏi cổ tay do làm việc nhiều, bạn hãy tập một số động tác phục hồi độ dẻo, tầm độ khớp và khả năng xoay trở của bàn tay. Mỗi động tác nên tập 20-30 lần.
1. Đặt sấp cánh tay lên bàn, bàn tay nằm ngoài mép bàn. Từ từ gập bàn tay xuống hết mức rồi bật lên tối đa.
2. Xoay đứng bàn tay lên, từ từ nghiêng bàn tay xuống theo hướng ngón út rồi ngược lại.
3. Đặt sấp cánh tay và bàn tay trên bàn, sau đó lăn cánh tay qua để ngửa bàn tay lên.
4. Xoay cổ tay theo một chiều rồi ngược lại.
5. Nắm bàn tay lại rồi xòe ra.
6. Dùng đầu ngón cái lần lượt bấm vào đầu các ngón khác, còn gọi là động tác đốingón.
7. Tập bóp trái banh tennis trong 5 giây rồi thả lỏng vài giây.
BS TÔ MINH CHÂU
(Hội Y học thể thao)
No comments:
Post a Comment