22.2.09

AN GIANG - LỄ VÍA BÀ CHÚA XỨ


Thờ: Bà chúa xứThời gian: Từ ngày 23 đến 27 tháng 4Địa điểm: Núi Sam, làng Vĩnh Tế, huyện Châu PhúĐặc điểm: Từ lễ cầu mùa nông nghiệp thành lễ Vía Bà (nữ thần); Hành hương vãn cảnh núi Sam
Núi Sam nằm cách thị xã Châu Đốc 5 km, là một ngọn núi cao 237 m, chu vi 5.200 m. Đây là ngọn núi tiền đồn của dãy Thất Sơn, nét khởi đầu bức tranh sơn thuỷ nổi tiếng của tỉnh An Giang. Ngày hè, giữa một vùng đồng bãi bao la, núi Sam hiện ra như một hòn ngọc bích giữa nền mây nhạt màu trứng sáo, như một đoá hoa tươi thắm vươn lên giữa màu xanh cây cối của xóm làng bình dị. Nơi đây có cả một quần thể di tích lịch sử - văn hoá với chùa cổ Tây An, miếu bà Chúa Xứ, Chùa Hang, Pháo Đài, đồi Bạch Vân, đồi Cá Chẹt, vườn Tao Ngộ, miếu Sơn Thần, đặc biệt là lăng Thoại Ngọc Hầu uy nghi, đẹp đẽ.

Từ lâu, những danh lam thắng cảnh của núi Sam đã làm tăng thêm sức hấp dẫn của thị xã ba sông: Châu Đốc. Không đến núi Sam là coi như chưa đến An Giang. Đến với thị xã Châu Đốc, hay nói đúng hơn, đến với núi Sam, du khách có dịp chứng kiến bức tranh tuyệt vời của một phần đất Tổ quốc phía Nam sát biên giới Campuchia, có sông, có núi, có đền đài cổ kính, có đồng bằng bát ngát...
Khách hành hương có thể đến núi Sam bằng đường bộ từ Long Xuyên lên Châu Đốc theo tỉnh lộ 10, và từ đó rẽ vào 7 km; hoặc theo đường thủy bằng bằng đò máy từ Cần Thơ, Sóc Trăng lên hay từ Sài Gòn xuống (mất một ngày một đêm) đến bến đò Châu Giang, rồi theo đường bộ 7km đến tận chân núi. Còn một con đường khác từ Tịnh Biên đi lên, theo ngã Nhà Bàng. Con đường này dẫn đến sát biên giới Campuchia.
Mỗi năm, số người về đây để chiêm ngưỡng cảnh đẹp của một vùng non nước hữu tình có thể kể đến con số hàng triệu lượt, nhưng tập trung đông nhất vẫn là vào dịp Vía Bà, từ 23 đến 27 tháng 4 âm lịch, mà ngày “ Chánh Vía ” là 25 tháng 4.
Lễ Vía Bà hằng năm không chỉ thu hút khách trong Đồng bằng sông Cửu Long, mà cả các tỉnh miền Đông, Sài Gòn, thậm chí cả nhiều tỉnh miền Trung từ Quảng Nam – Đà Nẵng trở vào, cho đến cả Hải Phòng, Hà Nội từ sau ngày giải phóng cũng có nhiều người đến chiêm bái
Trong những ngày vào hội, từ thị xã Châu Đốc đến núi Sam là cảnh “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”. Xe đạp, xe máy, xe ô tô con, xe buýt, xe lam... nối đuôi nhau đỗ dài suốt chặng đường 7km. Đó là chưa kể khách đi bằng đường thủy từ phía Cà Mau, Sóc Trăng, Cần Thơ lên hoặc từ Kiên Giang đến.... Có nhiều người đến đây để du ngoạn, chiêm ngưỡng cảnh trí thiên nhiên, đồng thời để tham dự một lễ hội dân gian phong phú, quyến rũ; nhưng một số người khác cũng không ít lại đến với lễ Vía Bà để cầu tài, cầu lộc, mong nhận được một sự phù hộ linh thiêng, giúp cho họ buôn may bán đắt, làm ăn phát đạt hơn.....
Về nguồn gốc tượng Bà Chúa Xứ, cũng như việc miếu bà được xây dựng từ bao giờ, cho đến nay vẫn chưa có tài liệu nào nói rõ. Theo lời các cụ già kể lại, thì miếu Bà được xây dựng đầu tiên bằng cây lá vào khoảng những năm 1820 – 1852. Còn về lai lịch của bà thì có nhiều truyền thuyết khác nhau:
Có truyền thuyết lể rằng: Một hôm có một người vào núi đốn củi, tình cờ phát hiện tượng bà nằm ở giữa rừng, bèn về báo cho dân làng. Sau đó dân làng đã cùng nhau đưa tượng về lập miếu thờ.
1. Một truyền thuyết khác kể rằng có một vị thần linh tự xưng là Bà Chúa Xứ Châu Đốc đã báo mộng cho dân làng: “Hãy chọn 9 cô gái đồng trinh lên đỉnh núi Sam, đưa tượng ta về lập miếu thờ, ta sẽ phù hộ cho dân sống an lành và làm ăn phát đạt.” Sau đó, 9 cô gái được chọn cử lên đỉnh núi tìm tượng đá, và quả nhiên họ đã gặp một tượng đá trong tư thế ngồi mắt nhìn thẳng về phía trước, bèn khiêng về, cọ rửa sạch sẽ và lập miếu thờ. Từ đó, hằng năm dân làng lấy ngày tượng bà được “an vị” tại miếu làm ngày lễ Vía Bà.
2. Một truyền thuyết khác nữa gắn với chiến công của Thoại Ngọc Hầu và việc trùng tu ngôi miếu làm ngày lễ Vía Bà. Dưới triều Minh Mạng, khi Thoại Ngọc Hầu giữ trọng trách trấn giữ biên giới Tây Nam, giặc ngoại xâm thường sang quấy nhiễu. Mỗi lần ông xuất quân, vợ ông thường đến miếu khấn vái, cầu bà phù hộ cho Thoại Ngọc Hầu đánh thắng giặc, bảo vệ cuộc sống yên lành cho dân. Về sau, để tạ ơn những điều ứng nghiệm. Vợ Thoại Ngọc Hầu đã cho xây cất lại ngôi miếu to và khang trang hơn. Lễ khánh thành được tổ chức trong ba ngày 24, 25, 26 tháng 4 âm lịch. Từ đó về sau thành lệ, dân chúng lấy những ngày trên làm lễ Vía Bà. Nếu chi tiết này có thật, thì đây cũng là một thông tin cho biết thêm rằng miếu Bà Chúa Xứ được xây dựng từ thời Minh Mạng.
Lại có truyền thuyết gắn lễ Vía Bà với tập quán sản xuất nông nghiệp ở địa phương, cho rằng tháng tư là thời vụ bà con xuống giống làm mùa. Họ làm lễ cầu Bà, hy vọng mùa sẽ được bội thu. Nhân dịp này, dân chúng tổ chức những cuộc vui chơi, rồi lâu dần thành lệ. Từ một hội làng vĩnh tế mang đặc điểm lễ cầu mùa trong nông nghiệp đã dần dần biến thành lễ Vía Bà, thu hút đông đảo khách thập phương từ các nơi ngày càng đông.
Còn có nhiều câu chuyện hoang đường khác được thêu dệt với nhiều tình tiết ly kỳ, huyền bí, đề cao sự linh thiêng của pho tượng, nhằm moi tiền những người nhẹ dạ, cả tin vào việc bói toán, đồng bóng. Thịnh hành nhất là thời gian trước 1975. Tuy vậy, hậu quả này cho đến nay vẫn chưa được loại trừ, mà đang có nguy cơ sống lại trong cơ chế thị trường.
Về nguồn gốc tượng, cho đến nay vẫn chưa xác định rõ xuất xứ cũng như niên đại. Tượng được tạc tại chỗ, hay từ nơi nào đưa đến? Vào thời kỳ nào? và được vận chuyển đến núi Sam như thế nào? Cần lưu ý thêm một điều nữa là tượng được tạc bằng loại đá tốt, màu xanh (không giống loại đá ở vùng núi Sam) có hình dạng Nam thần. Cánh tay bên phải bị gãy mất và được phục chế lại bằng một loại đá khác. Căn cứ vào đường nét, phong cách thể hiện, một số nhà khảo cổ học cho rằng tượng thuộc nghệ thuật trung cổ Ấn Độ.
Lễ Vía Bà khai diễn từ ngày 23 tháng 4 và kéo dài đến hết ngày 27 tháng 4 âm lịch, sau khi đã làm lễ hồi sắc về lăng Thoại Ngọc Hầu.
Lễ Mộc dục (lễ tắm bà) được cử hành vào lúc 0 giờ rạng sáng ngày 24. Đây là lễ có đông người dự nhất, là đêm rộn rịp nhất. Khi trời vừa tối, khách từ các nơi đổ dồn về miếu Bà – nơi hành lễ - đường sá, sân trong, sân ngoài đều đông nghẹt người, việc di chuyển tới lui phải nhích từng bước một.
Mở đầu buổi lễ, hai ngọn nến to ở trước tượng Bà được tháp sáng lên, ông chánh bái trong bộ khăn đóng, áo dài, bước đến nơi chánh điện cùng các vị bô lão trong làng đốt hương, dâng rượu, dâng trà. Một bức màn vải có viền ren, thêu hoa sặc sỡ được kéo ngang qua bệ thờ che khuất khu vực đặt tượng. Một nhóm bốn, năm phụ nữ được chọn sẵn, bước vào phía trong màn, chuẩn bị để “tắm Bà”. Họ lần lượt cởi mão, áo, đai, rồi lấy những chiếc khăn nhỏ nhúng vào chậu nước thơm ngâm hoa lài, quế có pha thêm nước hoa để lau tượng bà. Mấy người phụ nữ khác, cầm những cành huệ trắng trên tay, miệng luôn luôn niệm khấn. Sau đó, người ta dùng loại nước hoa đắt tiền xịt lên tượng. Xong rồi, họ chọn bộ đồ mới, đẹp nhất mặc cho bà, thắt đai, chít khăn, đội mão, gắn lại những ngọn màu trang trí như cũ.
Thường thì lễ tắm kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ, sau đó bức màn ngăn được kéo lên để cho khách đến chiêm bái, dâng hương, cầu lộc. Lộc bà ngày nay có thể là một bông hoa, một trái cây đã dâng cúng trên bệ, chứ không còn cảnh trước đây người ta chen lấn nhau để mong dành được ít nước “ tắm tượng” đục ngầu trong chậu mà họ coi như một thứ “nước thánh” có thể trị được bách bệnh, hay giật được mảnh vải nhỏ được xé ra từ khăn, áo cũ của bà, và cuồng tín xem đó như một thứ bùa hộ mệnh hoặc có thể trừ được tà ma.
Tiếp theo là lễ Túc Yết và cũng là chính lễ, được tổ chức vào nửa đêm 25 rạng ngày 26. Từ khoảng 16 giờ chiều ngày 25, để chuẩn bị cho buổi lễ, một đoàn người gồm có ban quản trị và một số cụ già, quần áo chỉnh tề xuất phát từ miếu Bà sang lăng Thoại Ngoc Hầu để thỉnh sắc đưa về miếu. Sắc ở đây là sắc vua phong cho Thoại Ngọc Hầu về công tích to lớn của ông khi làm trấn thủ Vĩnh Thanh (điều này được ghi rõ trong bia dựng nơi Thoại Sơn) chứ không phải là “sắc phong cho bà ” như có sách đã nhầm lẫn.
Nói cho đúng, đây là lễ rước bài vị (chứ không phải là rước sắc, vì sắc phong này không còn nữa ) của cụ Thoại Ngọc Hầu, bà Châu Thị Tế (vợ chính), bà Trương Thị Miệt (vợ thứ) và một số vị “hội đồng ”(chỉ chung các quan quân từng theo phục dịch quan Trấn Thủ lúc còn sinh thời). Các bài vị này được thờ chung tại lăng Thoại Ngọc Hầu. Vì sao có thể thêm việc “rước sắc” cũng như “hồi sắc”? Vấn đề này tưởng cũng cần được nghiên cứu kỹ càng hơn.
Dẫn đầu đoàn rước sắc, có đội múa lân, các học trò lễ tay cầm cờ, phướn đi hầu hai bên chiếc kiệu Long Đình sơn son thiếp vàng do bốn người khiêng. Khi đến lăng, ông chánh bái làm lễ niệm hương, rồi thỉnh sắc, đưa lên kiệu trở về miếu Bà.
Lễ Túc Yết gồm hai phần: nghi thức cúng tế và phần xây chầu. Lễ vật dâng cúng tế và phần xây chầu. Lễ vật dâng cúng gồm: một con heo trắng (đã mổ xong, cạo lông sạch sẽ để sống), một đĩa huyết heo có kèm theo một nhúm lông nhỏ, một mâm trái cây, một mâm trầu cau, một đĩa gạo, muối. Sau ba hồi chiêng trống, nhạc lễ trỗi lên là lễ dâng hương, dâng trà. Đội học trò lễ mặc áo thụng, mang giày cao cổ, đội mão giống các quan văn ngày xưa và bốn cô đào hóa trang, tay cầm quạt đi thành hai hàng hai bên. Lễ kết thúc bằng động tác đốt văn tế và giấy vàng bạc của ông chánh bái.
Tiếp theo phần nghi thức cúng tế là lễ xây chầu được tiến hành ở nơi nhà võ ca. Sau phần cầu nguyện mong cho mưa thuận gió hòa, mùa vụ bội thu, dân chúng khỏe mạnh, yên vui...vị chánh bái đặt tô nước cành dương trở lại bàn thờ, rồi quay sang kính cẩn nâng dùi trống lên, xá ba xá, bước về phía trống chầu đã được đặt sẵn trên sân khấu, đánh ba hồi và xướng to: “ca công tiếp giá!” Chiêng trống lập tức rộ lên, và chương trình hát bộ bắt đầu. Điều đáng lưu ý, bất cứ đoàn nào được mời đến, dù diễn một hay nhiều đêm, đều giữ tập quán “hát thêm một xuất cúng bà” không tính thù lao.
Buổi chiều vào khoảng 16 giờ, ban quan trị lại tề tựu đông đủ để làm lễ Hồi sắc, tức là lễ đưa các bài vị ở lăng Thoại Ngọc Hầu về vị trí thờ cúng cũ. Đến đây coi như lễ Vía Bà kết thúc.
Lễ hội miếu Bà Chúa Xứ núi Sam cũng là dịp để nam nữ thanh niên từ nhiều nơi đổ về vui chơi, trình diễn thời trang mới nhất, đẹp nhất, để những người giàu có, những kẻ gặp vận may thi nhau “ném tiền qua cửa sổ”, những người sùng tín đến cầu lộc, cầu tài, mong được sự phù hộ linh thiêng của Bà. Nói chung, đa số khách đến đây là người giàu có. Dường như trong các hoạt động dịch vụ nơi đây vào dịp này không có chuyện kêu ca đắt rẻ. Hàng trăm cửa hàng, quán ăn, phòng ngủ mọc lên san sát hai bên đường trên tuyến dài mấy kilômét.
Nhiều trò chơi, trò vui, kể cả ảo thuật, xiếc, mô tô bay... được tổ chức. Và những người buôn bán, làm dịch vụ đều thuộc lòng câu răn đe: “Đến đất Bà mà keo kiệt, trả giá là bà quở chết đó!”


B.Khanh st

No comments:

Post a Comment