28.8.08

GIÀU NGHÈO


Tôi muốn tặng bài đọc này cho những người bạn cũ của tôi ở quê nhà. Chúng tôi cùng sinh ra và lớn lên trong cùng một xã hội và nhận được sự giáo huấn cùng một mái trường . Điếm khác biệt lớn nhất giữa tôi và họ là sự may mắn và cơ hội mà tôi có được ở "đất người", trong khi đó họ phải thật vất vả và cố gắng vươn lên từng ngày một đế có được một chỗ đứng trên "quê nhà" nhưng chưa chắc được toại nguyện . Hy vọng rằng "quê hương" sẽ cho bạn tôi một cơ hội cuối cùng đế họ khỏi hố thẹn với vợ con và non sông. Mong rằng các bạn sẽ đọc được bài viết này và tự an ủi rằng vẫn có người đang quan tâm và nghĩ đến các bạn .

Một cậu bé con một gia đình giàu có nọ được người cha đưa về một vùng quê nghèo để gọi là đi thực tế. Người cha muốn cho con của mình hiểu được thế nào là cảnh nghèo, ông đưa cả gia đình đi nghỉ một ngày và một đêm trong nhà của người tá điền nghèo.
Sau chuyến đi thực tế ấy người cha hỏi cậu con có hài lòng về hoàn cảnh giàu có của gia đình mình không? Cậu bé lắc đầu. Được hỏi lý do, cậu bé giải thích như sau:
- Con cứ tưởng gia đình mình giàu có hơn người, nhưng so sánh, con mới thấy rằng người tá điền của chúng ta giàu hơn nhiều. Gia đình chúng ta chỉ có một hồ bơi nhỏ bên cạnh nhà, còn gia đình người tá điền có cả suối, sông, ao, hồ xung quanh nhà. Họ đi chơi trên đó bằng ghe, xuồng chứ không ngồi phơi nắng buồn bã như gia đình chúng ta. Chúng ta chỉ có mỗi một con chó và không gian chỉ là một mảnh vườn nhỏ không đủ cho nó chạy chơi, còn gia đình người tá điền có cả bốn con chó và súc vật, ngoài ra trong vườn lại có đủ mọi thứ chim suốt ngày kêu ríu rít. Trong nhà chúng ta chỉ có vài chục ngọn đèn nhập cảng, còn người tá điền cứ đêm đến là có quyền ngắm đủ mọi thứ đèn trên trời. Gia đình ông ta còn nhiều thứ khác nữa mà mình không có, con không thể kể hết ra được. Vả lại, chỉ có một ngày một đêm làm sao thấy hết được sự giàu có của người tá điền này. Con cám ơn ba đã cho con thấy được thực tế và biết được gia đình mình nghèo biết chừng nào!
***
Quý vị và các bạn thân mến,
Giàu nghèo quả là chuyện rất tương đối. Người giàu có vẫn thấy mình nghèo. Kẻ nghèo rớt mồng tơi vẫn cảm thấy mình giàu. Giàu nghèo như núi non tùy theo địa dư và cũng tương đối tùy theo góc độ cái nhìn. Nhưng dĩ nhiên, nếu xét về giá trị tuyệt đối thì hiện nay trên thế giới còn có rất nhiều người nghèo về của cải vật chất. Còn có biết bao nhiêu người phải sống trong lầm than đói khổ. Với chính sách toàn cầu hoá hiện nay, người nghèo ngày càng nghèo hơn. Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, mỗi ngày trên thế giới có khoảng 42 ngàn người chết đói.
Người sáng lập tổ chức từ thiện của Giáo hội Tin Lành đã viết về Á châu như sau: Tôi đã sống tại Á châu, và tôi đã thấy được thế nào là nghèo đói! Tôi cũng nhận thấy rằng, nếu bạn không muốn nhìn thì chắc chắn bạn sẽ không bao giờ thấy. Nghèo đói dù là thể lý hay tinh thần đều nằm ngay ở cửa ra vào của chúng ta, chúng ta không xin điều đó, chúng ta cũng chẳng muốn điều đó. Nhưng muốn hay không thì nó vẫn có đó, những nhu cầu của con người gõ cửa từng lần và từng người. Mỗi người đều phải trả lời cho câu hỏi: Tôi phải làm gì? Dĩ nhiên, ai trong chúng ta cũng có thể nhắm mắt làm ngơ hay phủi tay để trả lời: đó không phải là chuyện của tôi, và khép kín lại cánh cửa tâm hồn trước những nhu cầu và lời van xin của người khác. Cái nghèo khủng khiếp lúc đó hẳn phải là cái nghèo của tâm hồn.
Có một câu chuyện, hai người bạn đang đi dọc theo bờ biển phủ đầy sao biển vừa được một ngọn sóng lớn đánh dạt vào. Những con sao biển này sẽ chết cứng dưới ánh nắng mặt trời. Một người bạn nhặt lấy một con sao biển, nâng niu nó rồi đem thả lại xuống biển. Người bạn khác hỏi:
- Điều anh vừa làm liệu có thay đổi được gì không? Liệu anh có thể cứu vớt hết cả đám sao biển này không?
Người bạn trả lời:
- Anh nói đúng, tôi không thể cứu hết cả đám sao biển này, nhưng thà cứu được một con hơn là không cứu con nào cả, thà thắp lên một ngọn đèn, hơn là đứng đó mà nguyền rủa bóng tối.
Chúng ta vẫn thường nói thế. Nghèo đói là vấn đề của cả thế giới, cần phải có những giải pháp toàn bộ với những chương trình vĩ đại. Nhưng như Mẹ Têrêsa đã minh chứng; trong khi chờ đợi những chuơng trình vĩ đại ấy được thực hiện thì trước mắt chúng ta là một người láng giềng hay một người đói khổ đang cần được giúp đỡ. Một cử chỉ nhỏ và cụ thể của mỗi người chúng ta khi giúp đỡ một người cần được giúp đỡ chắc chắn có giá trị hơn bội phần những chương trình vĩ đại vẫn mãi mãi nằm trong dự án.
Nguoi ban Long Xuyen

No comments:

Post a Comment