CHÚC MỪNG NĂM MỚI-Con Trau Di Cay

1. CHÚC MỪNG NĂM MỚI. 12 tháng phú quý, 365 ngày phát tài, 8760 giờ sung túc, 525600 phút thành công, 31536000 giây VẠN SỰ NHƯ Ý.

2. Ngàn lần như ý, Vạn lần như mơ, Triệu sự bất ngờ, Tỷ lần hạnh phúc.

3. Tống cựu nghênh tân – Vạn sự cát tường – Toàn gia an phúc.
4. Năm hết tết đến. Rước hên vào nhà. Quà cáp bao la, một nhà no đủ. Vàng bạc đầy tủ. Gia chủ phát tài. Già trẻ gái trai, sum vầy hạnh phúc. Cầu tài chúc phúc. An lành thịnh vượng.
5. Tết tới tấn tài – Xuân sang đắc lộc, Gia đình hạnh phúc - Vạn sự cát tường.

6. Ðong cho đầy Hạnh phúc. Gói cho tròn Lộc tài. Giữ cho mãi An Khang. Thắt cho chặt Phú quý. Cùng chúc nhau Như ý, Hứng cho tròn An Khang, Chúc năm mới Bình An. Cả nhà đều Sung túc.

7. Sang năm mới chúc mọi người có một bầu trời sức khoẻ, một biển cả tình thương, một đại dương tình cảm, một điệp khúc tình yêu, một người yêu chung thủy, một tình bạn mênh mông, một gia đình thịnh vượng. Chúc các bà, các ông, các cô, các chú, các chị, các anh sang năm mới vạn sự như ý, tỷ sự như mơ, làm việc như thơ, đời vui như nhạc, coi tiền như rác, coi bạc như rơm, chung thủy với cơm và sắc son với phở. Chúc vui vẻ

8. Cung Chúc Tân Xuân Phước Vĩnh Cửu
Chúc Trong Gia Quyến Ðược An Khương
Tân Niên Lai Ðáo Ða Phú Quí
Xuân Ðến An Khương Vạn Thọ Tường

9. CUNG kính mời nhau chén rượu nồng
CHÚC mừng năm đến, tiễn năm xong
TÂN niên phúc lộc khơi vừa dạ
XUÂN mới tài danh khởi thỏa lòng
VẠN chuyện lo toan thay đổi hết
SỰ gì bế tắc thảy hanh thông
NHƯ anh, như chị, bằng bè bạn
Ý nguyện, duyên lành, đẹp ước mong

Phuong Thao ST

Mùa Xuân Buồn Lắm Em Ơi


Mùa xuân buồn lắm em ơi
Anh vẫn đạp xe từ Saigon lên trường đua Phú Thọ
Đạp xe qua nhà em
Nhìn vào ngưỡng cửa
Nhà số 20
Anh nhớ em má hồng ...
Anh nhớ nhà em có cửa sơn xanh
Có một hàng rào, có thầy, có mẹ ...
Có ngựa chạy trong trường đua, người đi ngoài phố
Nên anh đạp xe đi
Rồi đạp xe về
Mà chẳng có đôi ta ...

Mùa xuân buồn lắm em ơi
Mỗi lần đạp xe về anh vẫn nghe lòng bỡ ngỡ
Chiếc xe còn nguyên màu sơn xanh
Nhưng tâm hồn đã ngả sang màu sắt gỉ

Bởi vì từ Saigon lên tận trường đua Phú Thọ
Hết cả tiến uống một ly nước mía
Mà cũng không gặp em
Nên khát đắng linh hồn

Không phải anh ngại đường xá xa xôi
Anh cần gì đường dài
Anh cần gì nước mía
Anh cần gì hoa thơm và chim cười trong lá biếc
Cũng chẳng cần cỏ thêu xanh cánh đồng xa biền biệt
Nhưng làm sao không có bóng hai người đè lên cỏ úa
Để anh nghe em cười mà thấy cả mùa xuân ...
Làm sao chỉ có một mình anh
Vừa đạp xe, vừa ngâm thơ (mà đường vẫn dài)
Ngửa mặt lên cao, trời xanh biêng biếc
Làm sao em không ngó xuống linh hồn ?...

Sao mùa xuân mà chẳng có mưa bay
Chẳng có người đi bên cạnh cầm tay
Anh chẳng được hôn lên trán ái tình
Và nói năng những lời vô nghĩa ...

Tác Giả: Nguyên Sa, HT st
_____________

16.1.09

Tại sao mới 22 Tết ông Táo đã cuống quýt muốn về trời?
Từ mờ sáng 22 Tết đã thấy ông Táo sửa soạn hành lý, khăn gói quả mướp chuẩn bị lên chầu Trời, Táo bà ngạc nhiên và thắc mắc thì ông Táo mặt bí rị lầu bầu đáp: “Tôi không có thời gian trả lời ba cái câu hỏi lắng nhắng của bà. Bà không thấy là năm nay dưới hạ giới này có quá nhiều sự kiện à? Nào là nạn hồng thủy, triều cường, sữa nhiễm melamine, kẹo bột đá, xăng tăng giá, khủng hoảng kinh tế… Bao nhiêu là việc cần tấu, nếu cứ chiều 23 mới lên trời thì mùng 1 Tết tôi mới được về à? Rồi thì cuối năm tắc đường, tắc… cá nữa chứ. Thêm nữa việc này quan trọng nhất, thằng Táo quý tử con bà sáng nay đã nghịch dại châm lửa đốt hết áo mũ giầy cá của tôi, nếu tôi không “thăng” sớm thì đi bằng cái… giề… ề… ề!”

HT st

13.1.09


“The greatest lesson I’ve ever learned is to love and be loved in return” (“Bài học quý giá nhất mà tôi đã học là biết yêu và được yêu”). Đó là câu cuối trong bái hát của Nat King Cole mà chúng tôi đã mượn để đọc trong ngày cưới cách đây bốn năm - một ngày thơ mộng thật tuyệt vời. Trên một bờ biển thần tiên, khi ánh nắng cuối cùng nhuộm đỏ rực những áng mây in trên nền trời tím, tôi đã nhìn sâu vào mắt anh để trao đổi lời thề “trọn kiếp bên nhau.” Quanh tôi tiếng sóng rì rào những nốt nhạc tình êm ái nhất. Trong giây phút thiêng liêng đó tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự vĩnh cửu của tình yêu. Tại sao không? Tôi yêu anh. Anh yêu tôi. Như vậy là chúng ta đã học được bài học “quý giá nhất” rồi còn gì nữa?

Hôm nay sau khi ký đơn ly dị, tôi bước ra khỏi văn phòng luật sư và chợt nhớ tới câu hát xưa. Tôi bùi ngùi tự hỏi “mình đã thật sự học được gì?” Có lẽ điều đầu tiên tôi học được (và chắc không phải là điều “quý giá nhất”) là “love is not enough.” Có nghĩa là tình yêu một mình không đủ để đưa đến cuộc hôn nhân thành công. Thành công theo định nghĩa của tôi là mình sống hạnh phúc trong hôn nhân. Mình ở với người đó không phải vì bổn phận, con cái, tiền bạc, xã hội, gia đình, lễ giáo…v.v. nhưng vì người đó là nửa phần hồn của mình, là người bạn tri kỷ, là nơi để mình quay về và nương tựa. Một người hiểu mình sâu sắc để mình có thể trò chuyện, thủ thỉ, tâm sự, chia sẻ, cười đùa và nhất là cho mình cảm thấy mình được nâng niu, quý trọng và yêu thương.

Tôi biết nhiều cặp ở với nhau vì họ không có sự lựa chọn nào khác, hoặc có, nhưng họ không đủ can đảm để quyết định ra đi, họ vẫn sống với nhau - sống trong sự thầm lặng bất mãn triền miên. Như vậy là ăn gian. Không kể! Thành công trong hôn nhân là khi nào mình có tất cả sự lựa chọn và điều kiện, nhưng mình vẫn ở với người đó vì “Tôi quyết định chọn Anh. Tôi yêu Anh. Tôi không thể tưởng tượng có thể sống bên ai khác ngoài Anh.”

Nhưng nếu hai người cùng yêu nhau, cùng là người tốt mà còn chưa đủ để đưa tới cuộc hôn nhân thành công thì thế nào mới đủ? Theo tôi, và đây là bài học thứ nhì (khá “quý giá”), là chúng ta cần thêm sự hiểu biết về tâm lý, vai trò vợ chồng và cách ứng xử trong quan hệ lứa đôi (tiếng Việt nói dài dòng vì tôi không biết dịch chính xác tiếng Anh gọi là “relationship skills”). Tại sao tôi nói như vậy? Vì tôi mới đọc xong cuốn sách mà tôi phải gọi là “Cửu Dương Chân Kinh ” của tình yêu và hôn nhân, đó là cuốn “Men are from Mars, Women are from Venus” (“Đàn Ông đến từ Mars, Đàn Bà đến từ Venus”).

Cuốn sách này nói về tâm lý, sự khác biệt giữa đàn ông/đàn bà và ảnh hưởng của sự khác biệt đó trong hôn nhân. Càng đọc tôi càng thấy tôi với tất cả ngu ngơ lầm lẫn. Tôi bừng tỉnh “Ủa?...tôi làm vậy vì tôi yêu anh…tôi tưởng làm cho anh vui…té ra chỉ làm anh thêm bực mình?” Không phải vì anh khó chịu nhưng vì tôi cho anh những thứ anh không cần còn những cái anh cần tôi không biết để cho. Ngược lại tôi thấy anh với tất cả những cố gắng. Không phải anh không yêu tôi, nhưng anh không biết yêu tôi như cách tôi muốn được yêu. À há! Thì ra là vậy! Nhưng có lẽ khám phá hay nhất mà tôi thấy được là tôi và anh đều bình thường như mọi cặp khác. Bao nhiêu trường hợp tương tự, bao nhiêu ngàn người đã trải qua y hệt những gì chúng tôi đã đi qua. Không phải vì họ không yêu nhau, không muốn có cuộc hôn nhân bền vững, nhưng vì họ không biết cách diễn đạt tình yêu để đối tượng có thể cảm nhận được. Họ, như anh và tôi, đều là những đứa trẻ mồ côi lạc loài đáng thương trong tình yêu. Hiểu được điều này giúp tôi trút đi gánh nặng của tâm hồn. Tôi không còn trách anh, và quan trọng hơn...tôi tha thứ cho tôi.

Thiết nghĩ nếu tôi nắm vững những bài học về tâm lý này trước khi bước vào hôn nhân thì có thể tôi tránh được những khúc gãy của cuộc đời hay ít ra cũng đi qua một cách nhẹ nhàng hơn. Nhưng làm sao tôi biết được? Có ai dạy tôi đâu? Có ai khuyên tôi nên học và nghiên cứu về vấn đề này đâu? Thường khi lấy nhau chúng ta chỉ được nghe những câu chúc phúc hoặc cùng lắm là những lời khuyên đại khái như “ráng giữ đạo vợ chồng,” “thương yêu lo lắng cho nhau,” “tôn trọng nhau, nhường nhịn nhau,”... Rồi! Biết như vậy là đủ rồi đó! Hãy đưa nhau đi đến cuối cuộc đời “dù cho mưa hay cho bão tố có kéo qua đây”... hèn chi tỷ lệ ly dị bây giờ hơn 50 phần trăm.

Tôi chợt nghĩ trong bất cứ ngành nghề gì như là thư ký, kỹ sư, bác sĩ hay những nghề phục vụ như cắt tóc, làm móng tay, nấu ăn...v.v., nói chung là mọi ngành, chúng ta đều cần học tập và được hướng dẫn nhưng có hai việc làm quan trọng nhất trong cuộc đời chúng ta là “nghề” làm vợ/chồng và “nghề” làm cha/mẹ thì chúng ta chẳng học hỏi gì cả. Chúng ta “làm đại” theo kiểu “trial and error” (“thí nghiệm và sửa sai”) được thì tốt...không được thì thôi! Chúng ta chỉ biết đổ lỗi cho duyên số, định mệnh và nếu thành công là nhờ sự may mắn. Như vậy thì buồn quá phải không? Vì hơn nửa dân số ở Mỹ thuộc thành phần kém may mắn. Và sau khi thất bại lần đầu chúng ta lại gói gém tất cả những tư tưởng sai lầm vốn có sẵn cộng thêm những kinh nghiệm đau thương vừa trải qua để dồn vào cuộc tình mới. Vì vậy không ngạc nhiên khi thống kê cho thấy rằng tỷ lệ ly dị của những cuộc hôn nhân lần thứ hai lên tới 60 phần trăm. Có nghĩa là “chuyển từ bại thành xụi.” Nhưng dù vậy con người bao giờ cũng sống trong hy vọng vì trong số người đã ly dị rồi thì 85phần trăm sẽ tái hôn. Như đại văn hào Samuel Johnson đã nói “Remarriage is the triumph of hope over experience” (“Tái hôn nhân là sự chiến thắng của hy vọng vượt trên kinh nghiệm”).

Còn về chức năng làm cha mẹ? Ai dạy cho ta cách dạy con? Ta có học hỏi, trao dồi, nghiên cứu không? Hay ta cứ lập đi lập lại và bắt chước cách thức của cha mẹ mình để lại? Ta có bao giờ dám tự hỏi cha me mình dạy có đúng không? Và cách dạy dỗ cũng như tư tưởng của thế hệ trước có còn thích hợp cho thế hệ sau không? Và nếu không đúng hoặc không còn thích hợp thì mình dạy con mình cái gì? Vì mình cũng chỉ biết bấy nhiêu đó thôi...

Đối với tôi bài học quý giá nhất là yêu không chưa đủ, mà tình yêu (tình vợ chồng, tình con cái) cần thêm sự hiểu biết và công phu rèn luyện, như bao việc làm khác, để được thành công. Ví dụ một cô ca sĩ yêu hát, yêu với tất cả con tim và sự đam mê cuồng nhiệt, nhưng nếu cô không học hát, không luyện thanh, không học nhạc lý, thì chắc chắn cô sẽ không thành một người ca sĩ nổi tiếng. Và rất may cho tôi là những sách vở, tài liệu, nghiên cứu về hôn nhân, tình yêu, cách làm cha mẹ...v.v. có đầy dẫy trên thị trường để tôi học hỏi.

Vì vậy lần sau (vẫn phải còn niềm tin chứ!) trước khi bước vào tình yêu tôi sẽ bước vào thư viện, bước vào tiệm sách, lướt trên internet...v.v. Tôi cần phải học hỏi thật nhiều, nhất là về giáo dục con cái. Trong vai trò làm vợ, tôi đã thất bại...hy vọng sẽ có cơ hội lần nữa. Nhưng trong vai trò làm mẹ tôi không thể thất bại vì tôi chỉ có một cơ hội duy nhất mà thôi.

(Nguyễn Cao Kỳ Duyên)

Kỳ Duyên và Trịnh Hội lúc mới quen nhau


Một số ảnh cưới của Kỳ Duyên và Trịnh Hội tại Phillipines





Nguyễn Cao Kỳ Duyên và mẹ là bà Tuyết Mai trong ngày cưới




HT st

12.1.09

Một người Việt-Canada chế tạo “người yêu robot”

Lê Trung là nhà phát minh gốc Việt tại Canada và hiện anh đang nổi tiếng như là người đầu tiên chế tạo robot nữ biết nhạy cảm với cái đau và có thể tạm thể hiện vai trò của một người “bạn gái” hay “một vợ hiền”. Tin này được giới thiệu trên báo The Sun của Canada ngày 1.12.2008.

Lê Trung năm nay 33 tuổi, tốt nghiệp đại học ngành hoá học và điện toán tại York University, làm việc như một chuyên viên nhu liệu. Vì không có thời gian để đi tìm bạn gái nên anh dồn hết tâm tư, tiền bạc và thời gian vào robot anh đặt tên là Aiko, cô gái lý tưởng của mình. Tên Aiko được rút ra từ tiếng Nhật với “Ai" có nghĩa là “love” và "ko" có nghĩa là “child”.

Aikio là một cô gái tuyệt hảo với các vòng đo 32, 23, 33, chiều cao 1.51 mét, mái tóc lượn sóng óng ả. Bên cạnh bề ngoài này Aiko còn có bản tính nhu mì và có thể đảm nhiệm vài công việc lặt vặt trong nhà. Ngạn ngữ Việt Nam có câu “Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật” thì từ cái tên đến tính cách Aiko là một cô gái Nhật, nói được tiếng Nhật.

Aiko có một khuôn mặt kiểu thân hình nhạy cảm để cô có thể phản ứng theo một cách tự nhiên nhất nếu cô bị đụng chạm, gây đau đớn,khi tỏ ra được làm tình. Nếu bị ai chạm tay vào ngực, Aiko sẽ phản ứng: “Xin lỗi, em không thích chuyện này”. Bằng cách áp dụng nhu liệu B.R.A.I.N.S. (Biometric Robot Artificial Intelligence Neural System: hệ thống thần kinh thông minh nhân tạo cho robot sinh học), Lê Trung đã giúp Aiko khả năng học hỏi vài điều đơn giản từ môi trường chung quanh. Tóm lại, nói như Lê Trung thì Aiko có tất cả mọi giác quan trừ vị giác”.

Aiko có khả năng nói tiếng Anh và tiếng Nhật, có thể hiểu và nói được 13,000 câu khác nhau trong tiếng Anh và tiếng Nhật. Thông minh, giỏi toán Aiko có khả năng ghi nhớ số trương mục ngân hàng, số xe, số điện thoại, có thể nhận biết các thành viên trong gia đình của anh và “xin chào” mỗi khi họ đến chơi. Cô có thể giúp anh chuẩn bị bữa ăn, lau chùi dọn dẹp, hay còn giúp anh vạch ra lối đi phố mỗi khi họ có việc phải đi đâu đó. Trong khi đó thì Aiko có thể làm việc bất cứ lúc nào, không cần nghỉ ngơi, ăn uống và làm việc gần như cả ngày, trừ phi khi phải nạp điện.

Lê Trung công bố “người yêu” của mình lần đầu tiên tại Toronto International Center Exhibition vào năm 2007 trong chương trình Hobby Show. Tại đây anh cho biết việc tạo thân thể cho Aiko mất hết ba tháng cùng với số tiền 25,000 Mỹ kim. Anh cho biết: “Aiko là sự kết hợp giữa khoa học và cái đẹp. Tôi muốn lo cho cô ấy một vẻ bề ngoài và những cảm xúc hành động giống như con người nhất để cô ấy là một nửa hoàn hảo của tôi.”

Từ đó tới nay Lê Trung vẫn luôn bổ sung các vật liệu bên ngoài cũng như nhu liệu bên trong để Aiko gần với người thật hơn. Anh cho biết chất liệu silicone của một công ty đồ chơi của Nhật giúp Aiko có nước da mịn màng giống da người thật và cô chỉ nặng có 30 kg. Hiện giờ, anh cố gắng tìm kiếm nhà tài trợ để giúp anh hoàn thiện Aiko và đích đến là làm sao để Aiko có thể cùng anh đi dạo trên đường phố.

QT st

10.1.09

Cây Mai ngày Tết



Qua khỏi cầu Bình Lợi, trên quốc lộ số 1 hướng về Thủ Đức là những khu vườn sầm uất với các loại cây ăn trái như mãn cầu, bòn bon, lê kei ma, ổi… và đôi khi có nhà vườn trồng đôi ba gốc chôm chôm và dâu da. Nơi đây là những khu vườn tư nhân không phải là nơi thương mại như các vườn cây Lái Thiêu. Các khu vườn nầy đôi khi có những con lạch nhỏ chảy qua và những gốc dừa xiêm cao không quá bức tường thành ngăn cách đường xe lửa xuyên Việt chạy qua khu vực. Những khu vườn nằm trên quốc lộ số một bên kia sông Sài Gòn không xa đô thành là mấy, như mang một vẽ khác hẳn với chốn thị thành.

Những làng quê, nửa chợ nửa quê, là nơi vui thú điền viên của các chủ nhân một thời chen chân trong chốn bụi hồng. Tuy nhiên, phần lớn các gia chủ là những nông dân, tiểu thương gia, hoặc một đôi căn là nhà từ đường của giòng họ. Nằm dọc theo sông Sài Gòn về hướng Bình Triệu, Lái Thiêu, Thủ Dầu Một còn có những khu vườn nho nhỏ xinh xinh trồng hoa kiểng bán Tết. Trong những khu vườn đó có những khu vườn trồng rặt một loại: Hoa Mai.

Hoa Mai, với miền Nam nước Việt, nằm trong vùng khí hậu nhiêt đới rất thích hợp môi trường cho Hoa Mai đơm bông nẩy lộc mỗi dịp Xuân về Tết đến. Khác với miền Bắc, khí hậu có phần nào lạnh lẽo hơn, thích hợp cho Hoa Đào khoe sắc.

Đào đỏ, mai vàng. Màu đỏ thăm tươi biểu tượng cho sự vui mừng; màu vàng tượng trưng cho sự cao thượng vinh hiển cao sang. Tại nước Việt màu vàng còn tượng trưng cho Vua (thời phong kiến) Màu vàng thuộc hành Thổ trong ngũ hành- Thổ nằm ở vị trí Trung Ương, và màu vàng cũng tượng trưng cho nòi giống Việt. Không ngạc nhiên dân Việt chuộng mai vàng cho ngày đầu năm tại phương Nam.
Nói đến hoa Mai sách vở và trong dân gian chia Mai làm mấy loại:

Khánh khẩu mai: Mai trồng ở vùng núi Khánh Khẩu (Có lẻ ở bên Tàu)

Hà Hoa mai: Cánh mai giống cánh hoa sen ôm tròn vào nhụỵ

Đàn Hương mai: Mai vàng màu sậm, nhiều hoa, hương thơm nồng, nở sớm.

Ban Khấu mai: Cánh hoa cong cong, không nở xòe như các loại khác.

Cẩu Đăng mai: Hoa nhỏ không có hương thơm.

Không biết từ lịch sử nào trong dân gian có những phân chia như vậy về Mai. Tuy nhiên, theo sự thông tục bình thường, người chơi mai, mua mai chỉ chú đến 2 loạị Mai Tứ Quý, nở bốn mùa có năm cánh, bông to, và một loại Mai có mười cánh, bông nhỏ hương thơm.

Khi chọn mua một cành mai về chưng trong ba ngày Tết, người mua thường để ý các điểm sau đây.
- Những cành mai có dáng đẹp, với các hình dáng một gốc “lão mai” gốc to, da sần sùi, mọc rong rêu càng tốt, nhánh khẳng khiu và có thể có những hình thể như: Chân quỳ, Hạc bay, Phụng Hoàng…


Ngoài những nét trên, người mua mai còn chú trọng đến sự phân chia các nhánh trên một gốc mai. Nhánh to, nhánh nhỏ, sự sắp xếp các nhánh. Có thể phân chia tên gọi tùy sự phong phú của các tay chơi mai chuyện nghiệp. Nhìn chung có các điểm cần chú ý khi lực một nhành mai: Các cành phân chia thứ lớp, bông rải đều, nhánh to khỏe, nhánh uyển chuyển, nụ bụ bẩm, lá non vừa nhú. Ngoài ra các người chơi mai chuyên môn còn phân biệt thêm nhiều thứ phụ khác nữa mà chỉ có các nhà ấy biết mà thôi. Thí dụ như Nhụy Âm Dương, Cành Tứ Quý. Nhụy âm đương là chỉ đạo vợ chồng phu phụ, cành từ quý chỉ bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông…v.v. Đặc biệt là các nhà nho học chơi mai rất công phụ Một cành mai nở không đúng vào dịp Tết, mai vừa nở đã rụng, hoặc các nhánh phân bố không hợp cách là xui xẻo cả năm (Người chơi mai tin như vậy).

Nói chung do sự nhân cách hóa mà con người đã đặt vào cây mai khi đem bày trong nhà trong ba ngày Xuân. Phong tục á Đông nói chung, Việt nam nói riêng rất trọng sự tôn ti trật tự, trên dưới trong ngoài thành nề nếp. Và mỗi cuộc chơi đều mang theo nhiều ý nghĩa cao siêu.

Từ những nhu cầu như thế cho nên ngoài những cành mai bình thường bày bán trong các chợ tết, những cành mai nầy cắt từ những cây mai trong vườn, bó lại bằng lá dừa và mang ra chợ bày bán, cốt mua về cho có hương thơm, có màu vàng trên bàn thờ cho tăng thêm không khí tết; các chủ nhân các gốc lão mai thường ỏ công ra chăm bón những cành mai rất đạt tiêu chuẩn yêu cầu của các bậc danh nho đòi hỏi. Tất nhiên các gốc mai nầy giá đáng bạc vạn.

Trồng mai trên đất vườn phải là thứ đất đen, đất thịt nhưng không giữ nước để tránh úng thủy. Mai trồng trên các luống vồng cao, có khoảng cách vừa đủ đề cây tăng trưởng. Mỗi năm vào rằm tháng 10 Âm Lịch phải ngắt hết lá để dồn nhựa cho các nhánh ra hoa. Tuốt lá không đúng ngày sẽ ảnh hưởng đến ngày hoa nở. Khi cắt nhánh đem ra chợ phải đốt gốc. Cách đốt gốc cũng góp một phần không nhỏ vào việc giữ cho hoa nở bền hơn.

Ngoài các loại mai vàng kể trên, tại Lục Tỉnh còn một loại mai trắng, còn có tên gọi là Nam Mai- Cây Nam Mai chánh thực là cây gì? Đó là cây Mù U. “Nhánh mù u con bướm vàng không đậu, vì xa em mà thành điệu nhớ não lòng” Mù u bông trắng, năm cánh, lá mù u to bản dày kích thước chừng bàn tay người lớn. Thân mu u là thân mộc, mù u có trái tròn không ăn được, hột mù u ép làm dầu thắp đèn, nhiều khói ít sáng. Cây mù u có tên Nam Mai trong sự tích Gia Long Tẩu quốc.

Cứ mỗi dịp Xuân về bất cứ con người Việt Nam nào, nếu còn yêu quê hương, còn trông về nguồn gốc, đều cảm thấy một nỗi sầu man mát dâng tràn. Dù cho đang sống tại quê nhà hay đang lưu lạc khắp năm châu bốn biển. Nhắc đến cây Mai là nhắc đến ngày tết cổ truyền dân tộc, nhắc đến bành dày bánh chưng, cây nêu tràng pháo, thịt mỡ dưa hành. Tại Hoa Kỳ không tìm được giống Mai Vàng nên tạm dùng cành đào hồng (plum) bông nhỏ mỏng manh thay thế cây Mai Vàng ngày đó để chưng nơi bàn thờ và treo đôi bà cánh thiệp xuân để nhớ những ngày Xuân yêu thương trên đất mẹ.

Lê Việt Điểu - HT ST
4 Người Vợ Của Nhà Vua

Ngày xửa ngày xưa, có một vị vua giàu có trị vì một vương quốc hùng mạnh. Ông có đến bốn người vợ, bà hoàng nào cũng xinh đẹp. Nhà vua yêu người vợ thứ tư nhất và luôn chiều theo mọi sở thích của bà, không bao giờ từ chối. Kế đến là người vợ thứ ba, nhà vua lúc nào cũng sợ mất bà, đi đâu cũng luôn muốn đưa bà đi theo. Bà vợ thứ hai là chỗ dựa tinh thần của nhà vua, bà rất tử tế, dịu dàng và kiên nhẫn. Mỗi khi nhà vua gặp chuyện khó khăn, ông thường tâm sự với bà và thường nhận được những lời khuyên quý giá.

Người vợ thứ nhất của vua là người trung thành nhất, giúp vua trị vì và làm cho đất nước ngày càng giàu có nhưng nhà vua lại không dành nhiều tình cảm cho bà. Nhà vua luôn nghĩ rằng bà có thể tự chăm sóc lấy mình nên ít khi để ý đến bà.
Không may, một ngày nọ vua lâm bệnh và biết rằng mình không còn sống được bao lâu nữa. Ông nghĩ: "Ta có đến bốn người vợ, nhưng khi ra đi, e rằng lại hoàn toàn cô đơn!".

Nghĩ vậy, nhà vua gọi người vợ thứ tư đến bên cạnh và nói: "Ta yêu thương nàng nhất, luôn dành mọi thứ tốt đẹp cho nàng. Giờ đây ta sắp chết, nàng có theo ta để ta không cô đơn không?". Nhà vua nhận được câu trả lời: "Bệ hạ rất tốt với thiếp, nhưng yêu cầu đó quá khó, thiếp không thể làm được!". Nhà vua lặng đi một lúc rồi cho gọi người vợ thứ ba, bà trả lời: "Không, thưa đức vua, cuộc sống còn đẹp lắm, sẽ có một vị vua khác đến để tiếp tục che chở và chiều chuộng thiếp!". Trái tim vị vua cảm thấy lạnh buốt vì buồn bã và thất vọng. Ngài lại gọi người vợ thứ hai: "Ta luôn được nàng giúp đỡ và khuyên giải, nàng sẽ theo ta chứ?" - Nhà vua hỏi. "Lần này thiếp không thể giúp được gì hơn, thưa đức vua" - người vợ thứ hai đáp - "Nhưng thiếp hứa sẽ chăm sóc bệ hạ đến những giây cuối cùng, rồi sẽ đưa bệ hạ đến nơi yên nghỉ và sẽ luôn nhớ đến bệ hạ!". Nhà vua hoàn toàn tuyệt vọng.

Nhà vua không hề nhớ ra người vợ thứ nhất, cho đến khi ngài nghe thấy một giọng nói cất lên bên cạnh: "Thiếp sẽ theo ngài đến bất cứ nơi đâu ngài đi tới, dù đó là cõi chết". Đó chính là người vợ thứ nhất của ông. Trông bà mệt mỏi và gầy yếu. Buồn bã và nuối tiếc vô hạn vì cách đối xử của mình, nhà vua thốt lên: "Lẽ ra ta đã phải chăm sóc và thương yêu nàng nhiều hơn mới phải!".

Bạn vừa được đọc một câu chuyện cổ tích, trong đó có vua và các bà hoàng. Chúng ta không sống trong thế giới cổ tích, nhưng bạn biết không, nếu coi mỗi chúng ta cũng giống như nhà vua đó, thì bạn hãy để ý xem, mỗi chúng ta cũng có đến bốn “người vợ” đấy.

“Người vợ” thứ tư của chúng ta là cơ thể. Hầu như ai cũng lo lắng, chăm sóc đến bản thân, đến cơ thể mình nhiều nhất, làm sao để trông thật đẹp đẽ. Nhưng khi chúng ta ra đi, cơ thể ấy cũng tan biến, không để lại gì trên đời.

“Người vợ” thứ ba có tên là “địa vị và của cải” – đây chính là những thứ dễ mất nhất, vì dù sao chúng cũng chỉ là vật chất. Khi chúng ta không còn sống, “địc vị” không còn và “của cải” sẽ thuộc về người khác.

“Người vợ” thứ hai là gia đình và bè bạn. Họ luôn quan tâm và giúp đỡ, luôn an ủi và khuyên giải, nhưng họ chỉ có thể chăm sóc ta đến những phút cuối cùng và nhớ thương ta.

“Người vợ” thứ nhất chính là TÂM HỒN. Không phải ai cũng nhớ đến nó khi sống trong một thế giới mọi người đều phải chạy đua với của cải, địa vị để thỏa mãn cho cái “tôi” của mình. Thế nhưng TÂM HỒN là điều duy nhất luôn đi cùng với chúng ta đến bất cứ nơi nào chúng ta đến, và chính là thứ để mọi người nhớ mãi đến ta dù ta có ở nơi nào.

BKhanh st

3.1.09

19 lý do khiến đàn ông cần phụ nữ?

Chuyện đàn ông cần đến phụ nữ thiết tưởng là một tiên đề không cần phải chứng minh. Thế nhưng, không phải ai cũng để tâm suy nghĩ về lý do vì sao đàn ông lại cần phụ nữ đến vậy. Xin đưa ra 19 lý do như sau:

1.Chúa tể vệ sinh: Tính lười biếng của đàn ông sẽ phát triển cao độ khi không có sự nhắc nhở của phái nữ như quần áo bẩn ngại giặt, chén bát ăn xong không rửa, rác không đổ... Anh ta sớm muộn gì cũng sống trong núi rác!
2. Kẻ thù của rượu bia: Không có ai cằn nhằn, cự nự, đàn ông sẽ nhậu cho đến lúc biến thành cái bao da đựng rượu.
3. Bộ máy kiểm tra ngôn ngữ: Không ai lườm hay bĩu môi chê trách, đàn ông sẽ nói năng thả phanh.
4. Cô giáo lãng mạn: Có nàng anh ta mới biết hoa dùng vào việc gì... Chứ không họ cũng sẽ coi hoa chỉ là một loài cỏ cây không hơn.
5. Bác sỹ kiểm tra sức khỏe: Thiếu phụ nữ, đàn ông sẽ không có người mua tất chân và giục anh ta phải thay tất hàng ngày.
6. Máy định vị cảm giác: Thiếu phụ nữ, râu đàn ông sẽ mọc tự do thoải mái mà không ai bắt họ cạo cả.
7. Chuyên gia tư vấn sắc đẹp: Bụng đàn ông sẽ to như cái thùng nếu thiếu người "huy động" anh ta dậy tập thể dục mỗi ngày.
8. Sáng tạo ra nụ hôn: Không có nàng cánh đàn ông có dám hôn nhau không? Chỉ mới nghĩ tới thôi đã thấy... ghê rồi!
9. Nguồn gốc ái tình: Đàn ông sẽ... mù tịt về tình yêu khi thế giới chỉ toàn đàn ông!
10. Lý do của các cuộc nghiên cứu sinh lý: Nếu không có phụ nữ, người ta chẳng mất công tìm ra thuốc... Viagra làm gì!
11. Độc quyền sinh con: Thiếu nàng, đàn ông liệu có một mình làm việc sinh nở được không nhỉ?
12. Ngân hàng an toàn: Đàn ông sẽ phá sản rất nhanh vì thiếu người thu gom tiền lương của anh ta mỗi tháng!
13. Sáng tạo ra những tính cách đặc biệt: Đàn ông làm sao biết được thế nào là ghen, thế nào tình địch khi thiếu nàng?
14. Nhà ẩm thực đáng tin cậy: Đàn ông sẽ sớm đau bao tử vì cứ suốt ngày ăn uống lê la ngoài đường!
15. Bảo vệ công việc của đàn ông: Không có nàng đàn ông sẽ... thất nghiệp vì sáng nào cũng thức dậy muộn!
16. Nha sỹ bảo vệ răng: Răng đàn ông sẽ ra sao khi không có ai lấy kem đánh răng sẵn vào bàn chải và nhắc nhở anh ta đánh răng mỗi tối, sáng?
17. Nhà tâm lý học: Đàn ông sẽ không biết cảnh "xuống nước" năn nỉ nếu chưa một lần nhìn thấy nước mắt của nàng!
18. Sếp của đàn ông: Người ta luôn gọi phụ nữ là một "nội tướng" trong nhà, mà " nhà" thì có đàn ông trong đó!
19. Tinh hoa của đất: Hàng năm có biết bao cuộc thi để chọn lựa những hoa hậu: hoa hậu quốc gia, hoa hậu trái đất... mà người được chọn thì toàn là phái nữ!

PTST

Nhận ra Tính cách đàn ông qua nết ăn uống

Nết ăn, nết ở là những điểm rất quan trọng trong việc đánh giá xem xét con người. Nguyên thủ một số nước phương Đông trước khi bổ nhiệm một người vào nội các, thường mời người đó một bữa cơm và ngầm quan sát họ ăn uống rồi mới quyết định.
Các ông bố vợ cũng hay mời chàng rể tương lai đến dùng bữa và qua nết ăn mà đánh giá văn hoá, tư cách, cá tính... của anh ta. Đối với phụ nữ, nếu biết ngắm nhìn những người đàn ông khi họ ăn uống cũng là một điều thú vị.
1. Ngồi ăn mà co ro khép nép, người ta gắp cho miếng nào thì ăn miếng ấy là anh chàng hơi ít nam tính, nhút nhát, rụt rè yếu đuối và nhạy cảm. Nhưng có khi lại là “hổ đóng giả nai” không chừng.
2. Ăn to nói lớn, ăn nhiệt tình, không bỏ qua món nào, ấy là người dễ tính, dễ gần, xởi lởi nhưng suy nghĩ hơi đơn giản và có tính ba phải.
3. Ngồi vào mâm thấy chưa dọn đủ món là sốt ruột, nhắc khéo, gõ đũa bát, nhìn đồng hồ, đó là người thực dụng, suy nghĩ thiếu chín chắn và thiếu tế nhị. Hay chê bai món này không ngon, món kia dở ấy là người biết nấu nướng, nhưng kỹ tính, sau này bữa cơm nào vợ cũng bị phê bình.
4. Ăn xong bữa đứng dậy không cám ơn người cho mình ăn ngon miệng ấy là người vô ơn, không biết đến công lao của người khác và thiếu lịch sự. Ngồi vào bàn ăn là cắm đầu ăn một mạch không nhìn ai, chọn món ngon gắp trước, gắp rõ nhiều ấy là người ích kỷ, tham lam và xấu tính.
5. Khi ăn mà cứ mút đầu cá, đầu gà chùn chụt, gặm xương rau ráu, nhai cơm bồm bộp, vứt đồ ăn thừa lung tung: Loại phàm phu tục tử, bừa bãi, vô trách nhiệm. Thật khổ sở cho người vợ nào có ông chồng như thế.
6. Vừa ăn vừa nói, đang ngậm cũng cố nói: Bất lịch sự và lắm lời. Bới thức ăn lung tung trong khi ăn để chọn miếng ngon, chấm đồ ăn vào bất kỳ bát nước chấm nào, gắp thức ăn cẩu thả làm rơi rớt: Người văn hoá “thấp”, không được giáo dục tử tế, sống buông tuồng không có mục đích.
7. Ăn uống khoan thai nhẹ nhàng, có chọn lọc, ăn miếng nào gọn miếng nấy là người cẩn thận, kỹ tính, tính tình mềm mỏng và cũng khá kén chọn.
8. Ăn uống thoải mái và có ý tứ, biết tạo không khí vui vẻ trong bữa ăn, biết gắp những món ngon cho người già, phụ nữ và trẻ em, cùng tham gia làm cơm và dọn dẹp sau khi ăn: Đây là mẫu người đàn ông khá lý tưởng, sống có tình cảm và trách nhiệm với mọi người. Phụ nữ may mắn mới lấy được người như vậy!
Những điều tổng kết trên tuy chỉ có tính ước lệ, nhưng các bạn gái khi yêu cũng cứ thử rủ chàng đi ăn xem, biết đâu lại có thể nhờ đó mà rút ra được những nhận xét quan trọng trước khi “chọn mặt gửi vàng”.


PT ST